Những địa danh hành chính ở TP. Vị Thanh tuy không nhiều, nhưng đã toát lên niềm khát vọng về cuộc sống tốt đẹp, bình yên, an cư, lạc nghiệp. Một đặc điểm đáng chú ý: Hầu hết các địa danh hành chính, rất ít trùng lập với địa danh các địa phương khác ở Nam Bộ, hoặc không hình thành theo công thức gắn liền với các từ Hán Việt thường thấy như: “Long, Tân, Thạnh, Mỹ, An, Bình…” mà phát triển từ địa danh “cái” chữ “vị”, rồi gắn nối với một từ khác như: Vị Tân, Vị Bình, Vị Xuân.v.v. Mặt khác, tuy nội hàm chủ yếu là hành chính nhưng các địa danh vẫn cho thấy tính chất dân gian; phản ánh được ý nghĩa tiêu biểu của vùng đất - con người sở tại, cụ thể qua một số địa danh hành chính tiêu biểu:
HỎA LỰU (Thôn, làng, xã):
Thôn, hình thành từ triều Minh Mạng (khoảng năm 1836 - 1840), qua thời Thiệu Trị, Tự Đức thuộc tổng Giang Ninh, huyện Kiên Giang. Sau đổi gọi là hạt thanh tra Kiên Giang, rồi Rạch Giá.
Từ ngày 05.01.1876 thôn Hỏa Lựu trở thành làng thuộc hạt tham biện Rạch Giá. Từ năm 1900 thuộc tỉnh Rạch Giá. Ngày 25.5.1901 đổi thuộc tổng Kiên Định cùng tỉnh. Ngày 31.12.1907 đổi thuộc tổng An Ninh cùng tỉnh. Từ 1920 thuộc quận Long Mỹ. Từ năm 1956, đổi thành xã Hỏa Lựu. Trải qua nhiều thời kỳ, có lúc là xã lỵ quận Đức Long, tỉnh Chương Thiện (1961), rồi đổi thuộc quận Hưng Long, cùng tỉnh (1974). Sau ngày giải phóng 1975 thuộc huyện Long Mỹ. Ngày 21.4.1979 tách đất lập xã Hỏa Tiến thuộc huyện Vị Thanh (1981), đến ngày 01.8.2003, trung tâm xã Hỏa Lựu nâng cấp thành phường VII. Trụ sở xã Hỏa Lựu dời về một địa điểm bên rạch Cái Su, Vườn Cò. Khi tỉnh mới Hậu Giang ra đời, xã Hỏa Tiến tiếp tục tách một phần đất, lập xã mới Tân Tiến tọa lạc gần khu vực Cầu Đúc (cầu Cái Tư hiện nay). Như vậy, từ 01 xã gốc ban đầu đã chia tách thành 04 xã, phường.
Tên gọi Hỏa Lựu: Có thể từ nguồn gốc vùng đất này xưa kia có lớp than bùn, người ta đào lên đem phơi làm chất đốt. Chiết tự: Hỏa, nghĩa là lửa. Lựu: là trái; Hỏa Lựu là một loại trái bằng đất, đốt cháy thành lửa.
Đây là đơn vị hành chính đầu tiên của đất TP.Vị Thanh xưa.
VỊ THANH (Làng, xã, thị trấn, khu vực, quận, huyện, thị xã, thành phố):
- Làng Vị Thanh thành lập từ ngày 24.5.1894 thuộc tổng Giang Ninh, hạt tham biện Rạch Giá, rồi tỉnh Rạch Giá (1900). Ngày 7.12.1910 tách một phần đất điền Serrure (trong làng), để lập làng mới Hưng Thạnh. Sau một thời gian ngắn giải thể, nhập lại làng Vị Thanh. Từ ngày 20.5.1920, Vị Thanh trực thuộc quận Giồng Riềng cùng tỉnh.
- Sau năm 1956, làng Vị Thanh đổi gọi xã Vị Thanh thuộc tổng An Ninh, quận Long Mỹ, tỉnh Phong Dinh. Ngày 18.3.1960 đổi thuộc quận Đức Long, tỉnh Phong Dinh, rồi tỉnh Chương Thiện mới lập (24.12.1961) cho đến sau ngày giải phóng 1975. Ngày nay thuộc huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.
- Thị trấn Vị Thanh (Chi bộ) được thành lập trong kháng chiến chống Mỹ vào ngày 09.3.1960, để phù hợp tình hình chỉ đạo của Đảng trong công cuộc đấu tranh cách mạng, trên địa bàn tỉnh lỵ Chương Thiện của địch.
- Khu vực Vị Thanh: sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, đơn vị hành chánh Khu vực Vị Thanh thành lập, trực thuộc tỉnh Rạch Giá.
- Quận Vị Thanh: đầu năm 1947, khu vực Vị Thanh đổi gọi quận Vị Thanh. Tháng 7/1947, quận Vị Thanh sát nhập vào quận Giồng Riềng.
- Thị xã Vị Thanh thành lập đầu năm 1966 (Thị xã ủy trong thời kháng chiến) thành lập trên cơ sở nâng cấp thị trấn (Chi bộ) Vị Thanh, cho đến sau ngày giải phóng 30.4.1975. Từ ngày 01.01.1978 hợp nhất với huyện Long Mỹ thành huyện Long Mỹ; huyện lỵ đặt tại thị trấn Vị Thanh. Ngày 15.9.1981, nhập diện tích 02 xã Vị Thanh và Vị Đông lập thành 04 xã: Vị Đông, Vị Xuân, Vị Thanh và Vị Bình, đến ngày 28.01.1991 giải thể xã Vị Bình. Đơn vị thị trấn Vị Thanh giữ nguyên, cho tới khi tái lập thị xã Vị Thanh vào ngày 01.7.1999, trên cơ sở phần đất của thị trấn Vị Thanh, cùng các xã Vị Tân, Hỏa Lựu, Hỏa Tiến và một phần xã Vị Đông để lập ra 04 phường: I, III, IV, V và 03 xã Hỏa Lựu, Hỏa Tiến, Vị Tân.
- Huyện Vị Thanh thành lập ngày 06.4.1982 trên cơ sở chia tách từ huyện Long Mỹ; huyện lỵ là thị trấn Vị Thanh. Đến ngày 01.7.1999, chia tách thành 02 đơn vị: Thị xã Vị Thanh, trung tâm hành chính tại thị trấn Vị Thanh và huyện Vị Thanh đổi tên thành huyện Vị Thủy, huyện lỵ tại thị trấn Nàng Mau, cùng các xã: Vị Thủy, Vị Thắng, Vị Thanh, Vị Trung, Vị Đông, Vĩnh Trung, Vĩnh Tường và Vĩnh Thuận Tây.
- Thành phố Vị Thanh trực thuộc tỉnh Hậu Giang, ra đời từ ngày 23.9.2010 theo tinh thần Nghị quyết số 34/NQ-CP của Chính phủ. Trước đó, năm 2009 được công nhận đô thị loại III. Địa bàn thành phố vẫn trên cơ sở các phường, xã cả thị xã Vị Thanh. Ngày 27.10.2006, thành lập thêm xã Tân Tiến, tách từ xã Hỏa Tiến.
Như vậy, về cấp hành chính - tính từ khi mới thành lập, qua nhiều thời kì chính trị, địa danh Vị Thanh từ cấp làng đổi thành xã, thị trấn, khu vực, quận, huyện, thị xã, rồi cấp thành phố. Đặc biệt, Vị Thanh đã 04 lần làm lỵ sở cấp huyện, 02 lần là tỉnh lỵ. Có lúc, Vị Thanh là tên gọi đồng thời của 03 đơn vị hành chính: Huyện Vị Thanh, thị trấn Vị Thanh và xã Vị Thanh.
Về địa danh Vị Thanh do chính quyền Pháp đặt định, khi thành lập làng, nghiên cứu chiết tự, cho thấy:
- Từ “Vị”: Chỉ sự nhận biết sự vật ngọt, ngon, chua, cay, mặn, đắng…
- Từ “Thanh”: Là trong, sáng, sạch, gây cảm giác thích thú.
Ghép lại thành từ “Vị Thanh”, có ý nghĩa: “Vùng đất ngọt ngào, trong, sáng, thanh lịch”. Cách lý giải này cho thấy người đặt địa danh, theo lối nho nhã, am hiểu sâu sắc về địa lý, kinh tế, văn hóa địa phương. Thật vậy, suy rộng ra: Vùng đất trồng được trái khóm ngọt, khoai lang thơm bùi, dưa hấu ngon, giòn cộng với niềm khát vọng: Con người nơi đây luôn trong, sáng, thanh lịch như những dòng sông quê nhà, thì thật đúng với tên gọi Vị Thanh! Từ địa danh “cái” này, về sau nảy nở thêm hàng chục địa danh hành chính khác, tiếp nối sau chữ “Vị” là: Vị Tân, Vị Bình, Vị Đông, Vị Nghĩa, Vị Đức, Vị Xuân, Vị Hưng, Vị Hòa, Vị An, Vị Long.
HẬU GIANG (Miền, tỉnh, sông):
“Miền Hậu Giang: Là một miền đồng bằng rất rộng, ở về phía Nam con sông Hậu.
Miền này là toàn địa hạt tỉnh An Giang, Phong Dinh và phần Bắc tỉnh Kiên Giang và Ba Xuyên…”.
Đó là ghi nhận của nhà Nam Bộ học Sơn Nam trong sách “Tìm hiểu về đất Hậu Giang” (NXB Phù Sa - Sài Gòn 1956).
Thời Pháp thuộc, thời chính quyền VNCH thường sử dụng cụm từ này để chỉ các tỉnh bên kia bờ Nam sông Hậu.
- Tỉnh Hậu Giang: Đơn vị cấp tỉnh thành lập 02 lần, giải thể một lần.
Sau ngày giải phóng 30.4.1975, vùng Cần Thơ có các đơn vị hành chính cách mạng gồm: Khu ủy Khu 9, tỉnh Cần Thơ, thành phố Cần Thơ (trực thuộc Khu ủy khu 9).
Ngày 04.3.1976, tỉnh Hậu Giang được thành lập theo Nghị định số 03-NĐ/76 trên cơ sở sát nhập các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ. Đơn vị Khu (9) giải thể. Đến ngày 26.12.1991, tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng được tái lập do chia tách từ tỉnh Hậu Giang đã giải thể.
Ngày 01.01.2004, thành lập tỉnh Hậu Giang (mới) do chia tách từ tỉnh Cần Thơ, theo Nghị quyết của Quốc Hội khóa XI, ngày 26.11.2003 bao gồm thị xã Vị Thanh và 5 huyện: Châu Thành, Châu Thành A, Vị Thủy, Long Mỹ, Phụng Hiệp. Năm 2005, lập thêm thị xã Ngã Bảy. Năm 2010, nâng cấp thị xã Vị Thanh thành thành phố Vị Thanh; năm 2015 lập thêm thị xã Long Mỹ. Như vậy, thời điểm 2016 - Tỉnh Hậu Giang có 08 đơn vị hành chính: Thành phố, thị xã và các huyện.
Tên gọi Hậu Giang, xuất phát từ tên một nhánh sông Mê - Kông gọi là Hậu Giang, tức sông Sau, hay thường gọi là Sông Hậu. Thời Pháp thuộc còn gọi là sông Bassac trên lãnh thổ Tây Nam Bộ. Hậu Giang có chiều dài gần 70km, chảy qua các tỉnh An Giang, TP. Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang (đoạn qua tỉnh Hậu Giang dài khoảng 8 km) và tỉnh Sóc Trăng. Phía bờ Đông, Sông Hậu chảy qua các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh rồi ra Biển Đông.
CHƯƠNG THIỆN (Tỉnh):
Tỉnh Chương Thiện, được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thành lập theo Sắc lệnh số 211-NV do Tổng thống Ngô Đình Diệm ký ngày 24.12.1961, công bố có hiệu lực từ ngày 03.01.1962 (Xt. bài Thành lập tỉnh Chương Thiện - Vị Thanh trở thành tỉnh lỵ).
*
Trong quá trình mở đất, nhiều địa danh dân gian ra đời, trước khi có đơn vị hành chính cấp làng: Hỏa Lựu, Vị Thanh. Giờ đây, ước tính trên địa bàn TP. Vị Thanh có 150 - 200 địa danh dân gian là tên gọi các địa hình kinh, rạch, doi, lung, bờ, vườn, cống, cầu, ổ… (không kể tên đường phố); nhiều nhất ở các xã: Hỏa Lựu, Hỏa Tiến, Tân Tiến, Vị Tân, phường IV và phường VII. Bước đầu có thể lý giải một số địa danh dân gian tiêu biểu, mang tính tham khảo:
CÁI LỚN (Sông):
Tên sông Cái Lớn được ghi nhận trong sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, công bố triều Minh Mạng (1820). Tiếng Hán gọi là Đại Hà, cùng với sông Cái Bé tức Tiểu Hà. Cái Lớn, ý nghĩa như sông mẹ tỏa ra nhiều nhánh sông nhỏ (tức rạch) khác. Đây cũng là dòng sông huyết mạch của tỉnh Hậu Giang hôm nay.
Từ thành phố Hồ Chí Minh về miền Tây, sẽ qua 05 sông lớn, dài, rộng: Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông, Tiền Giang, Hậu Giang và sông Cái Lớn. Đó là những dòng sông có tác động, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, kinh tế, truyền thống văn hóa, lịch sử của của nhân dân ở trong vùng.
NGÃ BA DI HẠN (ngã ba sông):
Một số ý kiến giải thích: Đây là điểm gặp nhau giữa 03 con sông: Cái Lớn (sông chính), Nước Đục và Cái Tư , tạo thành ngã ba rộng lớn, giáp nước. Do đó ghe tàu di chuyển, qua lại phải có sự giới hạn (?)
CÁI TƯ (Rạch, cầu):
Theo một số vị cao niên, có lẽ gọi Cái Tư vì đây là nhánh sông lớn thứ tư tẽ ra sau các sông Cái Lớn, Nước Trong, Nước Đục.
CẦU ĐÚC (Cầu, miệt dân cư):
Cầu Đúc được chính quyền Pháp xây dựng, bắc qua rạch Cái Tư vào cuối thập niên 20 (thế kỷ XX), trong kế hoạch mở lộ xe từ Rạch Giá - Vị Thanh - Cần Thơ. Chân cầu phía bờ Bắc thuộc địa bàn xã Hỏa Lựu, quận Long Mỹ, chân cầu phía bờ Nam thuộc xã Vĩnh Hòa Hưng, quận Gò Quao. Hai bên chân cầu ra gần giữa rạch, nhịp cầu xây bằng bê tông “ạc mê.’’ Phần nhịp giữa làm bằng khung thép, lót ván gỗ. Đây cũng là nhịp cầu có thể quay ngang để tàu, ghe trọng tải lớn đi qua. Trong kháng chiến chống Pháp, khoảng năm 1947 - 1948, thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, lực lượng bộ đội ta đặt chất nổ phá sập Cầu Đúc để chận đường tiến quân của giặc Pháp. (Xt. Bài của “Soạn giả - nhà văn Vĩnh Điền viết về Vị Thanh thời chiến”).
Miệt Cầu Đúc là cụm từ dân gian đặt gọi chỉ vùng dân cư, ruộng, rẫy, xóm chợ gần cây Cầu Đúc, cụ thể gần các rạch Cái Tư, Rạch Gốc, rạch Hốc Hỏa, Rạch Ba Doi…(miệt nhỏ hơn miền, phân biệt: Miệt trên, miệt dưới, miệt vườn, miệt thứ...).
Gặp người quê Hốc Hỏa hay ở kinh Năm lên ở Sài Gòn, Cần Thơ hỏi ở đâu? Nhất định họ sẽ trả lời: Miệt Cầu Đúc! Là bởi vùng này có nhiều sản vật nổi tiếng khắp Nam Kỳ, trồng tại miệt Cầu Đúc như: Dưa hấu, khóm, khoai lang, ổi...Dù trồng ở cách xa cây Cầu Đúc 05 - 10 cây số, cũng mang thương hiệu Cầu Đúc.
CÁI SU (Rạch):
Tên gọi Cái Su, do bắt nguồn từ sông Cái (Cái Lớn). Có lẽ khi xưa hai bờ rạch có nhiều cây su, một loại gỗ rừng tốt, cao, thẳng, thịt chắc, có vân như cẩm lai, màu đỏ như gõ đỏ. Su thường dùng làm cột nhà, dùng đến 04 - 05 mươi năm không hư, chống được mối mọt, bù xòe. Ngoài ra, su thường dùng làm vật dụng gia đình. Đây là một nhánh sông, con đường thủy quan trọng, đưa người khẩn hoang thời xưa, đến lập nghiệp tại Hỏa Lựu - Vị Thanh.
Ngày nay cây su không còn trên đất Vị Thanh, Hỏa Lựu - nhưng thỉnh thoảng người ta đào đất vẫn gặp nhiều cây su bị chôn vùi, còn tốt.
CÁI NHUM (Rạch, chợ):
Sau khi kinh Xà No hoàn thành, một ngôi chợ nhỏ đã ra đời, ông Cả Sam đứng ra thành lập. Do chợ lập trên bờ rạch Cái Nhum, ăn thông ra kinh Xà No nên dân gian đặt gọi luôn chợ Cái Nhum. Buổi đầu chợ có 06 tiệm tạp hóa, cà phê, hủ tiếu. Dần dần có cả tiệm hút á phiện (trên gác). Tên chợ Cái Nhum tồn tại cho đến khi thành lập khu trù mật, rồi tỉnh Chương Thiện (1961).
Ý nghĩa từ Cái Nhum, giả thuyết đầu tiên có thể do dòng chảy bắt nguồn từ sông Cái Tư. Khu vực này có nhiều cây nhum, nên lâu ngày dân gian đặt thành tên rạch.
Cây nhum, tiếng Khmer gọi là cà nhum - phải chăng, cà nhum đọc trại dần thành cái nhum?
Nhum, loại cây có thân to như cau, dừa, tàu có gai dài, cứng nhọn dễ gây thương tích cho người. Rể sâu, chắc; nhum mọc thành chùm, bụi. Mỗi bụi có từ 04 - 05 cây. Thân cây chắc, dùng làm cột nhà, đũa ăn, bộ vạc ngủ… Trái nhum có quày như cau ớt, hay đủng đỉnh. Thời xưa, người đi rừng gặp cây nhum thì đốn xuống lấy gỗ, chặt đọt đem về nấu canh, xào tôm thịt ăn rất ngon. Giờ đây, thỉnh thoảng người ta đào đất vẫn gặp các cây nhum bị chôn lấp. Tương tự địa chất này, tại xã Vĩnh Thuận Tây (huyện Vị Thủy, Hậu Giang), huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), huyện Măng Thít (Vĩnh Long) cũng có các con rạch mang tên Cái Nhum.
CÁI NHÚC (Rạch, cầu):
Địa danh Cái Nhúc, từ Khmer kêu Krabei khliee, là con trâu luốc (màu xám dơ, lem luốc). Nhiều vị cao niên nghe ông bà kể lại: Vùng rạch Cái Nhúc xưa là bãi bùn lầy, người ta thường đem trâu tới tắm cho mát (cầm trâu), nên thân nó nhiều bùn dơ, lem luốc nhìn như màu xám, không còn đen.
Từ thời Pháp thuộc đã có cây cầu sắt bắt ngang, mang tên cầu Cái Nhúc, nối liên tỉnh lộ Vị Thanh - Gò Quao - Rạch Giá (nay là Quốc lộ 61). Thời chống Mỹ, còn gọi là cầu Trung Đoàn vì là nơi đóng quân của Trung đoàn 31, thuộc Sư đoàn 21 của quân đội Sài Gòn.
CÁI SÌNH (Rạch, cầu, di tích lịch sử):
Lý giải về địa danh Cái Sình có 02 luồng ý kiến:
- Là nơi sình lầy, địa hình lung, bàu nhiều cá, tôm. Đặc biệt, khu vực gần rạch Ba Doi có ổ sấu (xem bài “Lưu giữ giá trị truyền thống, nét xưa…”).
- Một số ý kiến cho rằng, gọi “Cá Sình” mới đúng! Là bởi thời trước, khu vực này bị hạn Bà Chằn, nước cạn, nóng nên cá “chết sình”. Một số ý kiến khác nói do đất xì phèn, bốc mùi hôi thối cả con rạch. Từ đó, dân gian đặt gọi tên rạch “Cá Sình”, rồi lâu ngày đọc trại là “Cái Sình” (?).
Trên bờ rạch Cái Sình giáp kinh Xà No, có di tích lịch sử kháng Pháp “Chiến thắng Cái Sình”. Tại đây vào ngày 20.12.1952, lực lượng kháng chiến đặt chất nổ đánh chìm chiếc tàu mặt dựng LCT của quân Pháp, làm hàng trăm tên địch chết và bị thương. Sự tích này còn lưu lại trong dân gian qua bài ca tài tử “Kim tiền Huế” (xem bài “Dấu ấn, truyền thống yêu nước thời kháng Pháp”).
CHỦ CHẸT (Kinh, cầu):
Địa danh kinh Chủ Chẹt, đúng ra là “Chủ Chệc” một địa chủ người dân tộc Hoa (chệc), tên Huỳnh Tấn Tước bỏ vốn đầu tư đào mở con kinh nhằm phục vụ sản xuất, thu hoạch lúa trên đất điền của ông ta.
Cầu Chủ Chẹt, còn gọi cầu Lẩm vì gần cầu có một lẩm lúa. Ngày nay tên chính thức là cầu Lẩm bắt qua kinh, nối liền tuyến Quốc lộ 61 từ Vị Thanh đi Gò Quao, tới Rạch Giá.
RẠCH GỐC (Rạch, cầu):
Rạch Gốc nối từ sông Nước Đục đi sâu vào địa bàn xã Hỏa Lựu, xã Tân Tiến tiếp giáp rạch Cái Tư, gặp đoạn cuối kinh Xà No. Nơi đây có một con kinh gọi là kinh Tắt ăn vô rạch Ba Doi, giáp Vàm Xáng (chợ phường VII). Phía rạch giáp sông Cái Lớn có một đoạn mới đào gọi là Kinh Mới, cây cầu bắt qua cũng gọi là cầu Kinh Mới. Nơi đây còn kêu là Vàm Xáng (Vàm: Cửa sông, rạch). Rạch Gốc. Cầu Rạch Gốc bắc qua, nối liền tuyến Quốc lộ 61 từ Vị Thanh, qua Gò Quao đi TP. Rạch Giá.
Tên gọi Rạch Gốc tiếng Khmer kêu là Prêk Kol, có lẽ là một rạch chính (gốc). ĐBSCL có nhiều địa danh Rạch Gốc (Lóc) như ở Hà Tiên, Cà Mau, Cần Đước (Long An)… Có phải đây là con rạch chính gốc, xuất xứ từ rạch lớn Cái Tư?
HỐC HỎA (Rạch):
Đây là con rạch có tên trong sách cổ “Gia Định Thành Thông Chí” của Trịnh Hoài Đức, soạn từ triều Gia Long, công bố năm 1820 (triều Minh Mạng).
Tên gọi Hốc Hỏa, chiếc tự: Hốc từ thuần Việt, nghĩa như cái hốc (hang hốc), như đường hầm sâu vô đất liền; Hỏa từ Hán Việt là lửa, phải chăng Hốc Hỏa mang ý nghĩa dòng rạch sâu, bốc lửa? Hoặc do lớp đất dưới rạch này là than bùn, có thể phơi khô đốt cháy được, nên dân gian đặt thành địa danh như Hỏa Lựu? Mặt khác, từ Hỏa phiên âm từ tiếng Quan Thoại nghĩa là “Hoa”! Như vậy có thể từ Hốc Hỏa là chỉ dòng rạch có nhiều người Hoa sinh sống?
Khảo sát vùng đất quanh hai bên bờ rạch, cho thấy cư dân nơi đây có nhiều người Hoa đến lập nghiệp, mở đầu cho lối canh tác rẫy, làm ra các sản vật nổi tiếng: Khóm Cầu Đúc, dưa hấu Cầu Đúc, khoai lang, ổi Cầu Đúc…
XÀ NO (Rạch, kinh, cầu, công viên):
Rạch Xà No tọa lạc trên đất xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ. Khi kinh Xà No đào qua, cắt một phần nên gọi Xà No Bức. Tên gọi Xà No, do ngày xưa đây là khu xóm người Khmer (Srok Nor) trồng nhiều cây điên điển, Xà No là cây điên điển.
Do khởi đào từ rạch Xà No, nên đặt luôn tên kinh Xà No, dân gian thường gọi kinh xáng Xà No.
Trên kinh Xà No, đoạn qua thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A (Hậu Giang), năm 2010 xây một cây cầu bê tông bắc qua, nối liền đường Bốn Tổng - Một Ngàn. Cùng thời gian này, tại đô thị Vị Thanh một cầu khác được xây dựng, nối liền đại lộ Võ Nguyên Giáp qua hai bờ kinh Xà No. Song song đó, tuyến kè - Công viên Xà No cũng được xây dựng, tạo cảnh quan đẹp cho thành phố Vị Thanh, nơi nghỉ ngơi, tham quan của mọi người.
KINH XÁNG HẬU (Kinh):
Kinh Xáng Hậu đào bằng máy xáng, ở về phía đông khu thương mại, trong khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu. Kinh do chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đào năm 1960, vừa lấy đất đắp nền khu trù mật; vừa dẫn nước ngọt vào đất canh tác khu gia cư. Kinh có chiều dài khoảng 6.000m, rộng 20m từ kinh Mương Lộ qua đất xã Hỏa Lựu, phường III, phường VII.
Tên gọi kinh Xáng Hậu, do kinh đào bằng máy xáng, vị trí ở về phía sau khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu, song song với kinh xáng Xà No cách khoảng 1 km.
KINH MƯƠNG LỘ (Kinh):
Kinh Mương Lộ đào vào cuối thập niên 20 (thế kỷ XX) nối từ chợ Vị Thanh qua Vị Thủy đến ngã ba Vĩnh Tường (xã Long Bình, quận Long Mỹ). Chính quyền Pháp cho đào con kinh này, nhằm lấy đất đắp đoạn lộ nối toàn tuyến liên tỉnh lộ Rạch Giá - Gò Quao - Vị Thanh - Long Mỹ - Cần Thơ. Về sau gọi là Tỉnh lộ 40, nay đổi gọi Quốc lộ 61.
Do con mương được đào lấy đất làm lộ; hình dáng con kinh thẳng, nhỏ như con mương, nằm cạnh đường lộ nên dân gian đặt gọi kinh Mương Lộ.
KINH SÓC GIỮA (Kinh):
Do kinh đào ngang qua một khu xóm người Khmer, nằm ở đoạn giữa, nên dân gian đặt gọi thành địa danh kinh Sóc Giữa.
KINH NGÒ OM (Kinh):
Kinh Ngò Om (Mò Om hay Mùa Ôm?) là một trong các điểm đến khẩn hoang khá sớm ở Vị Thanh, nay thuộc địa bàn phường IV.
Theo tư liệu họ đạo Vị Hưng, năm 1890 một nhà thờ công giáo được xây dựng nơi đây, cũng là nơi đầu tiên khởi phát đạo Công giáo (Xt. “Lưu giữ giá trị truyền thống, nét xưa”) trên địa bàn Vị Thanh.
Về địa danh Ngò Om, có một số ý kiến nói là từ tên một loại rau gia vị thường dùng nấu canh chua hay ăn sống mọc nhiều vùng Vị Thanh, Gò Quao, Vĩnh Thuận.
KINH MƯỜI THƯỚC (Kinh):
Kinh Mười Thước (10m) đào từ thời Pháp thuộc nối từ kinh xáng Xà No, đoạn ngang ấp Mỹ Tân, xã Hỏa Lựu (nay là phường VII) qua đất xã Vị Tân, gặp các rạch: Ông Dèo, Ba Doi. Kinh dài khoảng 2.000m, do có chiều rộng 10m, dân gian đặt gọi luôn là kinh Mười Thước.
KINH BÀ BÉC (Kinh):
Kinh Bà Béc nằm song song với kinh Mười Thước, về phía rạch Cái Tư. Kinh đào thời Pháp thuộc từ kinh Xà No, đoạn ngang phường VII qua đất xã Vị Tân, ra rạch Ba Doi.
Địa danh Bà Béc từ tên một phụ nữ người Hoa (Triều Châu), có lẽ nhà bà gần kinh hay tại vàm kinh, nên dân gian đặt gọi luôn.
KINH TẮT HUYỆN PHƯƠNG (Kinh):
Về tên gọi: Từ kinh “Tắt”, là con kinh đào để đi tắt từ kinh Xà No qua rạch Ba Doi gần hơn. “Huyện Phương” là gì? Đây là danh gọi một người giàu có, thế lực tên Phương, mang hàm huyện. Có thể do ông Phương bỏ vốn đào kinh, hoặc con kinh gần nhà, hay qua đất của ông ta nên dân gian đặt gọi luôn!
KINH NĂM CHÍN (Kinh):
Kinh Năm Chín (59) đào vào năm 1959, để lấy đất làm khu trù mật phía Bắc kênh Xà No, đối diện chợ Vị Thanh (nay tọa lạc ở phường IV). Kinh nối đến rạch Ba Doi trên đất xã Vị Tân. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa huy động dân công từ các nơi về đào con kinh này, gọi là làm xâu.
Do kinh đào vào năm 1959, nên đặt gọi thành địa danh kinh Năm Chín.
KINH SÁU HAI (Kinh):
Kinh Sáu Hai (62) đào vào năm 1962, để lấy đất làm con lộ từ Vị Thanh qua Giồng Riềng, sau khi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thành lập tỉnh Chương Thiện. Con đường bên bờ kinh được trải đá, xe hơi chạy được tới Giồng Riềng.
Do đào từ năm 1962, nên dân gian đặt gọi kinh Sáu Hai, khi con lộ hoàn thành người ta đặt gọi Kinh lộ Sáu Hai. Nhiều năm trước cây cầu 30/4 được xây dựng nối liền đường qua trung tâm Vị Thanh. Giờ đây lộ được mở rộng, nâng cấp mang tên đường Lê Hồng Phong, kết nối vào đường Võ Nguyên Giáp từ cầu Xà No qua.
KINH BA LIÊN (Kinh, cầu):
Kinh Ba Liên đào thời Pháp thuộc từ kinh Xà No vô sâu trong ruộng để tưới tiêu, xổ phèn. Giờ đây kinh cũng là con kinh ranh về phía Bắc giữa thành phố Vị Thanh và huyện Vị Thủy (xã Vị Đông).
Trên đường nối Vị Thanh - Cần Thơ (Quốc lộ 61C), một cây cầu bắc qua kinh Ba Liên được gọi là cầu Ba Liên. Phía đường Trần Hưng Đạo, cũng có cây cầu khác bắc qua kinh Ba Liên, mang tên cầu Ba Liên. Đây cũng là ranh giữa thành phố Vị Thanh và huyện Vị Thủy.
Địa danh Ba Liên do một người thứ ba, tên Liên ở gần vàm kinh nên tên của ông được dân gian đặt gọi tên kinh.
KINH ĐÒN DÔNG (Kinh):
Kinh Đòn Dông đào năm 1980 - 1981 song song với kinh Xà No. Điểm đầu từ kinh Năm Chín, điểm cuối gặp kinh Mười Thước.
Do hình dạng xuyên qua, cắt đôi cánh đồng, hai bên như mái nhà - con kinh nằm ở giữa như tư thế đòn dông, nên dân gian đặt gọi kinh Đòn Dông.(*)
KINH ÔNG CẢ (Kinh):
Kinh Ông Cả còn gọi là kinh Cả Lợi, đào thời Pháp thuộc trên đất xã Hỏa Lựu nối từ rạch Cái Su ra sông Nước Đục (Cái Lớn). Sau khi đất được khẩn hoang, đoạn cuối kinh gần sông Cái Lớn có xây một cái cống bằng đá, gọi là Cống Đá để ngăn mặn, giữ nước ngọt cho vườn. Trong 280 mẫu đất ông Cả Lợi, có một vườn ó hàng trăm con. Mỗi con nặng 3 - 4kg. Về sau do chiến tranh nên đàn ó bỏ đi hết.
Địa danh kinh Ông Cả (Cả Lợi) do một địa chủ tên Lý Tấn Lợi chức vụ hương cả trong làng, đứng ra đào trên phần đất của ông, để tiện việc canh
tác và đi lại. Do đó, dân gian đặt gọi kinh Cả Lợi.
KINH NĂM (Kinh, cầu, trại giam):
Kinh Năm (5), là một con kinh lớn nhất trong loạt các con kinh từ số 01 đến số 05, đào nối rạch Cái Tư vô đất liền trên địa bàn xã Hỏa Lựu (nay thuộc xã Hỏa Tiến). Các kinh trên do một địa chủ Trần Kim Yến ( Sáu Yến) cho đào, vào thập niên đầu thế kỷ XX.
Đoạn kinh 1 đến 2 ở gần lầu Sáu Yến (rừng Sáu Yến) trông ra Ngã Ba Di Hạn.
Do trên phần đất Kinh Năm có trại cải tạo tù nhân của Bộ Công An, nên sau này gọi luôn Trại giam Kinh Năm.
Ngày nay đường vào khu vực Hốc Hỏa - Kinh Năm mở rộng, xe hơi đi được. Kết nối với Quốc lộ 61 và đường đê bao, có cây cầu bê tông bắc qua, gọi là cầu Kinh Năm.
SÁU YẾN (Rừng, lầu):
Rừng Sáu Yến tọa lạc tại đầu doi đất nơi Ngã Ba Di Hạn, xã Hỏa Tiến.
Khoảng những năm 30 (thế kỷ XX), một người Pháp cũng là giám đốc Công ty Ma - Ranh bỏ vốn khai hoang một khoảnh đất để trồng lúa. Được một thời gian bị thất bại nên chuyển sang trồng tràm, phân chia thành nhiều lô rừng. Tay chủ đất người Pháp trên cưới vợ Việt tên Trần Kim Yến (con đốc phủ Trần Văn Thông), dân trong vùng thường gọi cô Sáu Yến, được người chồng Pháp giao cai quản cánh rừng tràm rộng hàng ngàn công này, nên dân gian đặt gọi địa danh rừng Sáu Yến!
Trước khu rừng, cạnh bờ rạch Cái Tư, một ngôi nhà cao cẳng, tức nhà lầu được xây dựng cho cô Sáu Yến ở, nên người ta cũng đặt gọi Lầu Sáu Yến, như một chỉ giới quen thuộc của vùng đất.
KINH ÚT LỜ (kinh):
Khởi đầu từ rạch Hốc Hỏa, cuối kinh ăn ra sông Nước Đục. Tọa lạc trên phần đất ấp Thạnh Quới I, xã Tân Tiến và ấp Thạnh Quới 2 xã Hỏa Tiến.
Tên gọi kinh Út Lờ, do vào thời chống Mỹ, người chỉ huy đào kinh là một cán bộ cách mạng tên Lờ, thứ út giữ chức vụ Bí thư Xã Đoàn Hỏa Lựu. Về sau hy sinh. Lúc đó, mục đích đào kinh chủ yếu để tạo đường thủy cho bộ đội, cán bộ ta di chuyển thuận tiện bằng ghe xuồng, nên chỉ có 7 - 8m bề rộng. Sau này, để phục vụ sản xuất, kinh được mở dần như ngày nay.
KINH CHỐNG MỸ (kinh):
Kinh Chống Mỹ khởi đầu từ rạch Hốc Hỏa trên phần đất thuộc xã Hỏa Tiến.
Tên gọi kinh Chống Mỹ do đào từ thời chống Mỹ năm 1965, nhằm vừa cho lực lượng ta dễ di chuyển bằng xuồng, ghe, vừa ngăn cản xe tăng địch đi vào.
KINH CHỐNG TĂNG (kinh):
Kinh Chống Tăng chảy qua địa bàn các ấp: Mỹ Hiệp 3, Tư Sáng, Thạnh Hòa 1, Thạnh Quới 1, xã Tân Tiến. Kinh đào từ thời chống Mỹ năm 1964.
Tên gọi trên, do mục đích đào kinh này để ngăn cản sự di chuyển của xe tăng địch với cách thức: Bờ kinh đắp đất cao lên, lòng kinh hẹp, chỉ độ 5 - 6m. Do đó, xe tăng địch khó di chuyển qua. Nhờ vậy, lực lượng cách mạng và nhân dân có thời gian chuẩn bị chiến đấu, truy kích địch hoặc rút quân.
KINH LẦU (kinh):
Kinh Lầu khởi đầu từ khu vực gần Ngã ba Di Hạn đến kinh Năm, chảy trên phần đất thuộc xã Hỏa Tiến.
Tên Kinh Lầu, do ngày xưa địa chủ Sáu Yến cho đào một con kinh khởi đầu từ ngôi nhà lầu, dân gian kêu lầu Sáu Yến chạy dọc theo khu rừng tràm để lấy nước tưới tiêu, phòng hỏa và để di chuyển ra vào khu rừng tràm.
KINH MỚI (kinh, cầu):
Điểm khởi đầu ăn ra sông Nước Đục, điểm cuối nối liền Rạch Gốc, đỗ ra sông Cái Tư, giáp kinh Xà No. Kinh Mới sâu vô địa bàn cũng là ranh 02 xã Hỏa Lựu và Tân Tiến.
Cầu Kinh Mới bắt qua 02 xã nêu trên, cách vàm Kinh Mới 400m, ngày nay nối liền với đê bao ngăn mặn và ngăn lũ Vị Thanh - Long Mỹ.
KINH TƯ HƯƠNG (kinh, cầu):
Kinh chảy vô sâu vào đất xã Tân Tiến. Điểm đầu nằm ở phía đông giao nhau giữa Rạch Gốc và Kinh Mới. Điểm cuối kinh tại phía Tây liền với rạch Hốc Hỏa, kinh được đầu tư thời kháng Pháp.
Lý giải về tên gọi này; có lẽ kinh đào qua đất của một nông dân tên Hương, thứ tư nên dân gian đặt gọi thành địa danh.
RẠCH BA DOI (Rạch):
Rạch Ba Doi, có người còn gọi sông Lá Ba Doi.
Địa danh này xuất xứ từ vị trí đứng doi này, thấy doi kia với hình dạng con rạch có 03 đầu doi lớn nhô ra. Doi thứ nhất tọa lạc tại Kinh Mười Thước trong, doi thứ hai là nơi đặt căn cứ Thị xã ủy Vị Thanh thời chống Mỹ, doi thứ ba gọi là doi cù lao Tia Há. Gọi sông Lá vì các mỏm doi mọc rất nhiều đám lá dừa nước. Tại khu vực này, có một lõm bùn lớn, được đặt gọi Ổ Sấu. Do dân gian truyền tụng, xưa kia nơi đây có nhiều sấu. Chúng làm ổ sinh con, đẻ cái (Xt. Lưu giữ giá trị truyền thống, nét xưa).
Vùng Ba Doi cách nội ô Vị Thanh chỉ khoảng 5km, nhưng rất hoang vu, dừa nước phủ kín, nên rất thuận đường di chuyển, trú đóng cho các lực lượng bộ đội, dân chính. Căn cứ Thị xã ủy Vị Thanh cũng đặt tại đây, trong một thời gian khá dài thời kháng chiến chống Mỹ.
DOI BẦN:
Doi Bần nằm ở cuối rạch Cái Tư đối diện chợ Vàm Xáng Hỏa Lựu, thuộc xã Vĩnh Hòa Hưng Nam (Gò Quao). Chế độ Ngô Đình Diệm từng khủng bố cán bộ và nhân dân Vị Thanh - Hỏa Lựu bằng luật 10/59, địch giết, chôn sống nơi đây khoảng 300 người.
DOI GIẾNG (Xóm dân cư, khu đất, kinh):
Tọa lạc tại ấp Thạnh Quới I và một phần ấp Tư Sáng thuộc xã Tân Tiến. Đây là một doi đất rộng lớn bên bờ rạch Cái Tư được bồi thành qua nhiều thời kỳ, diện tích khoảng 5km2 (2,5km x 2km). Đa số bà con nông dân ở đây làm nghề nông trồng khóm, trồng lúa. Sau ngày giải phóng nhà nước huy động dân đào một tuyến kinh gọi kinh Doi Giếng, rộng 13 - 15m, dài 2.100m thuộc địa bàn ấp Thạnh Quới 1, nhằm mục đích xổ phèn phục vụ sản xuất.
Nguyên xưa, đây là phần đất của bà Xã Trư, một địa chủ giàu có. Nơi đây có nhiều gia đình đã sinh cơ lập nghiệp đến 04 đời, kể từ thời khẩn hoang. Dưới rạch Cái Tư còn đầy sấu, trên bờ thì cọp, heo rừng, khỉ phá hại mùa màng. Đến những năm 40 của thế kỷ trước, khung cảnh nơi đây còn rất hoang dã.
Địa danh Doi Giếng được các vị cao niên lý giải:
- Hình dạng doi đất này nhô ra, tròn giống như một cái miệng giếng nước, bởi ở giữa có một lõm nước ngập sâu quanh năm.
- Một số ý kiến khác: Thời khẩn hoang, do vùng này toàn nước mặn, nên người đi lập nghiệp khoét lõm, đào giếng tìm được chỗ nước ngọt. Từ đó, người ta đặt gọi vùng doi này là Doi Giếng.
RẠCH NÀNG CHĂN (Rạch):
Rạch Nàng Chăn có hình dạng cong cong trên đất xã Vị Tân. Điểm đầu giáp rạch Bờ Lách, điểm cuối nối với kinh Năm Chín (59) đổ ra rạch Tràm Cửa. Thời xưa người Khmer định cư quanh vùng, bên cạnh người Kinh, mở đầu giai đoạn khẩn hoang trên đất Vị Tân.
Địa danh Nàng Chăn, một số bà con người Khmer gọi Nèn Chan, lý giải tên gọi: Do một người phụ nữ đầu tiên về khai khẩn tên Chan! (Nèn - Nàng: Nữ giới).
RẠCH LUNG NIA (Rạch, cầu):
Rạch Lung Nia là rạch ranh giữa TP. Vị Thanh (xã Vị Tân) và huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) tại cuối đường Lê Hồng Phong. Một cây cầu bắc qua rạch cũng mang tên cầu Lung Nia.
Về ý nghĩa: “Lung” là chổ trũng ngập nước. Từ “Nia” phải chăng do hình dạng vùng lung hình tròn như cái nia?
RẠCH TRÀM CỬA (Rạch):
Rạch Tràm Cửa nối từ kinh lộ Sáu Hai, xã Vị Tân ra kinh Xà No trên địa bàn phường IV.
Xưa kia đây là con đường mòn trong khu rừng tràm rậm rạp, đất mềm do các lớp lá cây hoai mục. Cây tràm hai bên che khuất phía trên, thuận lợi cho việc đi lại của các thú rừng: Voi, trâu rừng, heo rừng đến rạch Cái Nhum uống nước. Lâu ngày do bị những bước chân nhiều thú rừng to lớn giẫm đạp, đường bị lún xuống thành con rạch chảy ra cửa rừng gặp Rạch Nhum, nên dân gian đặt gọi Tràm Cửa, tức “Cửa” của cánh rừng “Tràm”!
Giờ đây rạch Cái Nhum không còn, kinh lộ được đào, đấp dần mất đi dấu tích cửa rừng tràm xưa, nhưng địa danh ấy vẫn mãi là tấm bia lịch sử của một thời hoang sơ trên đất Vị Thanh.
VƯỜN CÒ:
Vườn Cò Hỏa Lựu gần sông Nước Đục, hình thành từ thời khẩn hoang, trên đất một nhà nông là ông Thân Nghi. Nay thuộc khu vực gần trụ sở UBND xã Hỏa Lựu. Được biết, vườn cò có diện tích khoảng 30 công, nơi trú ngụ của hàng vạn con cò với nhiều giống khác nhau.
Theo các vị cao niên mô tả: Vườn cò được bao bọc bằng những hàng tre gai; giữa vườn trồng dừa để thu hút cò về, vì chúng thích ở trên các loại cây này. Nghe nói, chủ vườn chủ yếu nuôi chơi cho thỏa thích chứ không tính lợi ích kinh tế. Thời kháng Pháp cò bỏ đi khá nhiều, vì bom đạn tàn phá. Đến thời lập khu trù mật, vườn cò vẫn còn một ít rồi mất luôn khi cường độ chiến tranh lên cao.
Ngày nay, về Vị Thanh, Hỏa Lựu hỏi địa danh Vườn Cò ai cũng biết. Có thể nói: Đây là minh chứng cho câu nói dân gian: “Đất lành chim đậu” trên đất Vị Thanh xưa.
VỊNH CÂY BÀNG:
Đây là một vùng nước khá rộng, bên sông Nước Đục ăn sâu vô trong bờ. Theo một số lão nông kể rằng: Tại đây có một cây bàng, từ khoảng 100 năm trước, do 02 địa chủ trồng để làm ranh điền địa. Cạnh đó, có một ngôi miểu thờ Bà. Dần dần, cây bàng lớn lên thành cổ thụ làm chỉ dấu, nên dân cư đặt gọi khu vực này là Vịnh Cây Bàng. Nay tọa lạc trên đất xã Tân Tiến (ấp Thạnh Quới I). Sau ngày giải phóng 1975, cây bàng trên được đốn hạ, xẽ gỗ đóng bàn, ghế cho học sinh.