danh nhan - UBND TP Vị Thanh

 

Danh nhân

Ngày 19-06-2021

1. Huỳnh Thiên Lộc (1910-1953)

          Theo sách Truyền thống đấu tranh cứu nước của nhân dân huyện Giồng Riềng (1945 – 1975), ông Huỳnh Thiên Lộc là chủ tịch UBND khu vực Vị Thanh ( tương đương với cấp quận), thuộc tỉnh Rạch Giá.

          Theo sách Lịch sử kháng chiến Tây Nam Bộ Tập 1 ( 1945 -1954), là một trong những khuôn mặt tiêu biểu của miền Tây Nam Bộ thời kháng chiến chống Pháp:

          Huỳnh Thiên Lộc sinh năm 1910 tại Rạch Giá, cháu nội ông Cả Bé, một đại điền chủ ở Tây Nam Bộ, Huỳnh Thiên Lộc học ở trường Taberd (Sài Gòn) rồi qua Pháp học, đậu kỹ sư canh nông.

          Trước chiến tranh thế giới thứ hai, ông về Sài Gòn làm nghề kinh doanh. Ngoài 20.000 hécta ruộng đất, ông có nhiều cơ sở xay lúa. Ông được chính quyền thực dân chọn làm Ủy viên kinh tế lý tài Đông Dương, thuộc loại trẻ nhất.

          Khoảng 1944-1945, ông có liên lạc với một số đảng viên Đảng Dân chủ Đảng Dân chủ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tháng 5.1945, ông tham gia thành lập Thanh niên Tiền Phong tại Giồng Riềng - Rạch Giá.

          Tháng 1. 1946, ông được chọn vào phát đoàn do Tôn Đức Thắng dẫn đầu gồm nhiều đại biểu Quốc hội và cán bộ cách mạng áp tải vàng nhận được trong Tuần lễ vàng của Nam Bộ đem ra Chính phủ Trung ương.

          Tháng 4.1946, ông được cử làm Bộ trưởng Bộ canh nông Chính phủ liên hiệp kháng chiến, được chọn vào phát đoàn đi dự Hội nghị Fontainnebleau (Pháp).

          Năm 1947, ông cùng nhiều cán bộ lãnh đạo khác trở về Nam. Ông được cử làm Ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, Phó Chủ tịch Hội Liên Việt Nam Bộ.

          Ông đã hiến cho cách mạng 20.000 hécta ruộng đất và hệ thống xay xát ở Chợ Lớn, để Chính phủ cấp đất cho nông dân.

          Trong phong trào hiến điền từ năm 1950, với uy tín của mình ông đi khắp miền Tây Nam Bộ vận động điền chủ hưởng ứng. Vì vậy, hàng vạn nông dân đã có ruộng đất cày cấy, đời sống được cải thiện, kháng chiến được đẩy mạnh và Mặt trận dân tộc thống nhất củng cố được khối đoàn kết vững mạnh.

          Năm 1952, ông bị bệnh nặng và mất vào đầu năm 1953.  

  Trong lúc nằm trên giường bệnh, ông đề nghị được vào Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Ung Văn Khiêm, Ủy viên Trung ương Cục Miền Nam đã chấp nhận và kết nạp ông vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

2. Huỳnh Thủ (1915-1998)

          Trong kháng chiến chống Pháp ông là một nhân vật Quân sự từng đứng chân chỉ đạo, chỉ huy nhiều sự kiện là trận đánh nổi tiếng tại Vị Thanh - Hỏa Lựu, điển hình là trận chiến thắng Cái Sình (1952). Thuở ấy, nghe tên “Bộ đội Huỳnh Thủ” là quân Pháp và tay sai hết sức kinh sợ.

          Theo bảng tóm lược tiểu sử trong nghị quyết 195/2018/NQ-HĐNĐ của HĐND tỉnh Kiên Giang, về đặt tên đường phố công trình công cộng:

          Huỳnh Thủ quê quán ở xã Bình Thới, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1937. Gia nhập Quân đội từ năm 1945. Thiếu tướng QĐNDVN (1974), từng là tư lệnh Công an Nhân dân Vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng).

          Huỳnh Thủ tham gia cách mạng từ năm 1935. Năm 1936, tham gia Hội viên Hội Ái hữu.

          Tháng 5.1942 bị thực dân Pháp bắt đày đi Côn Đảo với mức án 15 năm khổ sai. Tháng 8.1945, Cách mạng thành công ông được rước về và ở Rạch Giá công tác chiến đấu. Năm 1946 - 1958, Trung đội trưởng Trung đội 4 (Nhân dân quen gọi “Bộ đội Huỳnh Thủ”); từ làng Vĩnh Hòa, đơn vị mở rộng hoạt động sang các làng Vĩnh Bình, Vĩnh Thuận, Đông Yên, Tây Yên, Thủy Liễu, Thới An, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Hòa Hưng,… Đơn vị của ông thực hiện “3 cùng” với dân, được dân quý mến, tin yêu; “Đi dân nhớ, ở dân thương”. Ông là Tỉnh ủy viên, Ủy viên quân sự tỉnh Rạch Giá, Chi đội trưởng Chi đội 24. Tháng 8.1948, ông làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 124. Tháng 4.1949, làm liên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 122 và 123. Tháng 6.1950 làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Chủ lực Miền Tây Nam Bộ. Tháng 8.1951 làm Tỉnh Đội trưởng Tỉnh đội Cần Thơ. Cuối năm 1954, tập kết ra miền Bắc. Tháng 2.1956-1958 làm Trưởng ban Quân huấn, Quân khu Hữu ngạn và phụ trách công tác Tham mưu Bộ Tư lệnh Cảnh vệ. Tháng 8.1958 Sư đoàn phó, Quyền Tham mưu trưởng Công an Nhân dân Vũ trang (CANDVT). Năm 1956, Cục trưởng Tham mưu Bộ Tư lệnh CANDVT. Năm 1974, Phó Tư lệnh CANDVT. Tháng 7.1980 làm Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Năm 1984 về công tác tại Bộ Tổng Tham mưu QĐNDVN. Ông được tặng thưởng các Huân chương: Chiến công hạng nhất, Chiến thắng hạng nhất. Ông mất năm 1998 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Đang online: 4
Hôm nay: 1218
Đã truy cập: 3607823
You do not have the roles required to access this portlet.