Ngày 28.9.2010, tỉnh Hậu Giang công bố Quyết định thành lập thành phố Vị Thanh, trên cơ sở thị xã Vị Thanh hiện hữu, sau 10 năm phát triển.
Đây là đô thị- tỉnh lỵ, tỉnh Hậu Giang; cũng là thành phố thứ 13 của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (thời điểm 2010).
Năm ở vị trí trung tâm tiểu vùng Tây sông Hậu, cửa ngõ Bắc bán đảo Cà Mau; chỉ cách thành phố Cần Thơ 47km, theo Quốc lộ 61C. Lịch sử hình thành và phát triển, Vị Thanh còn gắn kết máu thịt với 2 đại lộ thủy chiến lược: sông Cái lớn, thông ra biển Tây và kinh xáng Xà No, nối liền sông Cần Thơ và sông Hậu, tới biển Đông.
Trở về nguồn cội thuở xưa, địa bàn Vị Thanh nằm trong 7 xã, thôn vùng Vịnh Xiêm La, do Mạc Cửu lập nên rồi dâng đất cho chúa Nguyễn vào năm 1714, được phong chức Tổng binh trấn Hà Tiên. Vị Thanh xưa, thuộc xã Giá Khê (Rạch Giá); rồi đạo (huyện) Kiên Giang, thuộc trấn Hà Tiên trên bản dư đồ Đại Việt. Ngay buổi đầu lập nghiệp, 3 đân Kinh - Khmer – Hoa từ khắp nơi hội tụ về cộng cư, đoàn kết khẫn hoang, lập nên thôn, ấp; phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Sau thành quả công cuộc Nam tiến, mở đất, tổng Giang Ninh được thành lập (1835), thì đơn vị hành chính xã Hỏa Lựu (là phần lớn địa bàn thành phố Vị Thanh ngày nay), mới chính thức ra đời (triều Minh Mạng, khoảng 1836). Thế nhưng, cho đến khi thực dân Pháp chiếm trọn Nam Kỳ lục tỉnh, làng Vị Thanh mới được thành lập vào ngày 24.5.1894, cũng thuộc tổng Giang Ninh, tỉnh Rạch Giá.
Như vậy, có thể nói toàn bộ diện tích làng Hỏa Lựu và làng Vị Thanh thời đó, phần lớn là địa bàn thành phố Vị Thanh ngày nay.
Trong suốt 2 thời kỳ kháng Pháp và chống Mỹ cứu nước (1945-1975) Hỏa Lựu - Vị Thanh luôn ở tuyến đầu khói lửa; nơi đối đầu ác liệt giữa ta và địch; nhất là khi trở thành khu Trù mật, rồi tỉnh lỵ tỉnh Chương Thiện, của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Tuy nhiên, bằng tinh thần yêu nước và lòng quả cảm - trải bao hy sinh, gian khổ; dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Hỏa Lựu - Vị Thanh đã kiên cường chiến đấu cho đến ngày toàn thắng, tiếp bước sang trang sử mới: xây dựng và phát triển quê hương. Gần nữa thế kỷ qua, từ sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước 1975 - Vị Thanh đã nỗ lực vượt khó, không ngừng vươn lên về mọi mặt: Vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định cuộc sống; vừa nỗ lực theo hướng phát triển. Đặc biệt là tích cực thực hiện đường lối đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đáng kể là từ vị trí một thị trấn nhỏ sau chiến tranh, Vị Thanh từng bước phấn đấu khôi phục lại vị thế thị xã, gánh vác trọng trách, vai trò đô thị tỉnh lỵ, tỉnh Hậu Giang mới lập, khi chia tách với thành phố Cần Thơ (2.1.2004); trở thành một trong những thành phố - đô thị, có tốc độ phát triển khá nhanh của ĐBSCL.
Thời kỳ mở đất, hình thành thôn, ấp, làng, xã,… kinh tế chính của Vị Thanh là sản xuất nông nghiệp cùng với nghề rừng, nghề mua bán nhỏ. Từ khi trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Chương Thiện (1961), ngành thương mại - dịch vụ phát triển mạnh, cùng một số hoạt động kỹ nghệ nhỏ. Sau ngày 30.4.1975, do nhiều nguyên nhân, kinh tế nông nghiệp trở lại vai trò chủ lực suốt một thời gian dài. Đến khi thị xã Vị Thanh được tái lập, rồi nâng lên cấp thành phố, thì cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ sang lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Song song đó, đẩy nhanh quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị; sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ ở một số xã ngoại thành, theo hướng chất lượng cao gắn liền với tham quan du lịch.
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, dù lắm lúc bị chiến tranh lấn áp, nhưng những dấu ấn về Văn hóa, Giáo dục, Y tế, Thể thao,… luôn ghi đậm, minh chứng cho sự phát triển của một vùng đất nhiều thắng trầm:
Giá trị cốt lõi nhất vẫn là tình yêu nước, yêu quê hương - gia đình, nghĩa xóm, tình làng, đoàn kết các dân tộc. Tuy là vùng đất được khai phá khá muộn, nhưng đất và người Vị Thanh vẫn sản sinh ra được nhiều giá trị văn nghệ dân gian, qua điệu lý, câu hò, lời hát đưa em… tô điểm thêm nét đẹp cho đời sống văn hóa gia đình và cộng đồng. Dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, dù trong thời kỳ mở đất hay giữ đất, vẫn đứng về phía chính nghĩa. Đó cũng là cơ sở vững chắc nhất, góp phần giải phóng quê hương, xây dựng xứ sở; hình thành nhiều giá trị mới, qua các mô hình: Gia đình văn hóa, Ấp văn hóa, Xã văn hóa, Xã văn hóa- Nông thôn mới… rồi tiến tới Phường văn minh đô thị. Mặt khác, quá trình bảo vệ; xây dựng và phát triển quê, luôn là nguồn cảm hứng, để các văn nghệ sĩ sáng tạo nên nhiều tác phẩm văn học nghệ thuậ cho đời.
Việc ăn, mặc ở của người Vị Thanh cũng tương tự như nhiều vùng dân cư khác ở Nam Bộ. Tất nhiên, vẫn mang những nét riêng như: thực phẩm đa dạng bởi cá, mắm, rau, củ, quả dư thừa; trang phục và nhà ở giản đơn, phù hợp với lao động nông nghiệp, lâm nghiệp của vùng sinh thái đan xen các nguồn nước “ngọt - lợ - mặn”. Lối sống, phong tục, tập quán cũng dựa theo đó mà hình thành.
Song song đó, sự khởi đầu của hoạt động Giáo dục ở Vị Thanh, cũng tạo nên nhiều nấc thang phát triển.
Từ chổ chỉ biết lo cho cái ăn, cái mặc - cư dân nơi đây từng bước quan tâm tới sự học với chữ Nho, rồi quốc ngữ, nhờ những người thầy từ miệt trên xuống. Thế rồi, vùng Hỏa Lựu - Vị Thanh lần lượt ra đời các trường làng, với bậc sơ học.
Khi ánh sáng văn minh phố, chợ soi rọi đến vùng sông Cái Lớn, Cái Tư và hai bờ Xà No, thì bước tiến về Giáo dục càng rõ nét. Thời điểm cuối những năm 60 (thế kỷ XX), đô thị Vị Thanh đã có trường trung học đệ nhất cấp (từ lớp 6 - lớp 9), rồi đệ nhị cấp (từ lớp 10 - lớp 12). Vào lúc tỉnh Hậu Giang tăng tốc phát triển, thành phố Vị Thanh có đến 3 trường Cao đẳng, thu hút một lượng lớn sinh viên, trong đó có các huyện bạn thuộc tỉnh Kiên Giang.
Hỏa Lựu - Vị Thanh xưa, đầy sương lam chướng khí, lắm thú dữ, muổi mòng, đĩa vắt, gây hại không nhỏ đến sức khỏe bao người. Thế nhưng, mọi người biết nương dựa vào phương pháp dân gian, hoặc trông cậy vào việc chữa bệnh bằng mê tín. Phải đến khi chợ, phố hình thành, đã ra đời những tiệm thuốc Bắc, với thầy thuốc Đông Y, tình hình chăm sóc sức khỏe người dân mới dần được cải thiện.
Vào lúc chiến tranh ác liệt, vùng giải phóng mọc lên các trạm Quân Y, không chỉ lo cứu thương cho cán bộ, chiến sĩ mà còn đảm nhiệm chăm sóc sức khỏe người dân. Ngoài phố, chợ - Các Trạm Y Tế công cộng, nhà bảo sanh, bệnh viện quân sự, dân sự cũng mở ra, cùng mạng lưới bác sĩ, y tá tư. Từ đó, người dân Vị Thanh quen dần với Tây Y và việc chăm sóc sức khỏe theo trào lưu hiện đại.
Sau ngày 30.4.1975, mạng lưới y tế công cộng phát triển đến xã, ấp. Giai đoạn trở thành thành phố tỉnh lỵ, trên địa bàn Vị Thanh đã hoàn thành xây dựng bệnh viện lớn của tỉnh và bệnh viện của thành phố.
Từ bao đời nay, ở Vị Thanh, đời sống văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của ba dân tộc đều tồn tại những nét riêng:
Người kinh thờ cúng tổ tiên hay đi cúng đình Thần, hay chùa Phật (Bắc Tông). Một số, là tín đồ công giáo.
Người Khmer theo Phật giáo (Nam Tông), xem ngôi chùa là môi trường sinh hoạt văn hóa - giáo dục.
Người Hoa có chùa Ông, như kiểu hội quán, vừa thờ cúng thần linh, vừa là nơi sinh hoạt, trao đổi, giúp nhau làm ăn.
Hầu hết các ngôi chùa Phật, chùa Ông, nhà thờ Công Giáo đều được xây dựng khá sớm trên đất Vị Thanh vào cuối thế kỷ XIX, hoặc đầu thế kỷ XX. Về sau, có thêm chùa Cao Đài, nhà thờ Tin Lành được xây dựng, phục vụ nhu cầu lễ bái của các tín đồ.
Có thể nói, trong gần 300 năm hình thành và phát triển - Từ những bước đi chập chửng ban đầu, Hỏa Lựu - Vị Thanh xưa; cũng như thành phố Vị Thanh hôm nay, đã gặt hái thành quả và bước tiến đáng kể. Đó là nỗ lực vượt qua các giai đoạn khắc nghiệt của thời mở đất; gian khổ, đấu tranh, hy sinh xương máu trong thời giữ đất và tiếp bước sang thời xây dựng và phát triển một cách đường hoàng; sánh vai cùng các địa phương bạn. Dù là một đô thị trẻ, nhưng tốc độ vươn lên khá nhanh; khẳng định vị thế một trung tâm tiểu vùng Tây sông Hậu - Bắc bán đảo Cà Mau; một thành phố vệ tinh, có mối quan hệ chặt chẻ cùng phát triển với thành phố Cần Thơ - đô thị loại I, thủ phủ vùng ĐBSCL.