Mục tiêu đến năm 2030 phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, giao thương giữa các vùng, miền trong cả nước và hàng trung chuyển, quá cảnh cho các nước trong khu vực cũng như nhu cầu vận tải hành khách nội địa và quốc tế. Hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ 1.140 đến 1.423 triệu tấn và từ 10,1 đến 10,3 triệu lượt khách.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các sở, ngành tham dự hội nghị.
Định hướng hạ tầng giao thông kết nối, phát triển các tuyến đường sắt kết nối với cảng biển loại đặc biệt và cảng biển loại I trên hành lang Bắc - Nam.
Hệ thống đường bộ cao tốc kết nối với các cảng biển loại đặc biệt, hệ thống quốc lộ, đường địa phương kết nối trực tiếp đến hệ thống cảng biển. Phát triển cảng cạn tại các khu vực kinh tế, hành lang kinh tế, ưu tiên quy hoạch các vị trí có kết nối thuận lợi bằng vận tải đường thủy nội địa, vận tải sông pha biển, đường bộ cao tốc, đường sắt đến các cảng biển quan trọng trong các nhóm cảng biển.
Theo quy hoạch, hệ thống cảng biển Việt Nam chia thành 5 nhóm: Trong đó Hậu Giang nằm trong nhóm thứ 5 gồm 12 cảng biển: Cảng biển Cần Thơ, cảng biển Đồng Tháp, cảng biển Tiền Giang, cảng biển Vĩnh Long, cảng biển Bến Tre, cảng biển An Giang, cảng biển Hậu Giang, cảng biển Sóc Trăng, cảng biển Trà Vinh, cảng biển Cà Mau, cảng biển Bạc Liêu và cảng biển Kiên Giang. Đến năm 2030 hàng hóa thông qua nhóm cảng biển số 5 từ 64-80 triệu tấn (hàng container từ 0,6-0,8 triệu TEU); hành khách từ 6,1-6,2 triệu lượt khách. Tầm nhìn đến 2050, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 5,5-6,1%; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,1-1,25%. Hình thành cảng cửa ngõ khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết: Thời gian tới Bộ Giao thông Vận tải sẽ tích cực phối hợp các bộ, ngành, địa phương kêu gọi đầu tư, đồng thời tiếp tục đề xuất cơ chế để các nhà đầu tư tiếp cận. Đề nghị các các đơn vị tư vấn căn cứ quy hoạch để nghiên cứu và tham mưu Bộ Giao thông Vận tải xây dựng chi tiết, góp phần hình thành nên những cụm cảng hiện đại trong tương lai. Đề xuất các bộ, ngành tiếp tục ủng hộ để ngành giao thông vận tải hoàn thành quy hoạch chi tiết các cụm cảng. Hỗ trợ, giúp đỡ ngành giao thông phát triển các lĩnh vực giao thông khác để giảm chi phí logicstics.
Về nguồn vốn được huy động chủ yếu từ nguồn ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Nguồn vốn ngân sách nhà nước tập trung cho hạ tầng hàng hải công cộng; khu vực trọng điểm, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư. Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 313.000 tỉ đồng.