Hiện nay mô hình trồng rau thủy canh khép kín trong nhà lưới, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, bên cạnh những ưu điểm vượt trội về năng suất, mô hình trồng rau thủy canh còn thân thiện với môi trường do hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
MH trồng rau thủy canh trong nhà lưới của anh Phan Văn Tùng
Thời gian gần đây, một vài hộ dân ở xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ đầu tư trồng rau thủy canh trong nhà lưới, mang lại nguồn thu đáng kể. Sau khi tham quan học hỏi mô hình trồng rau thủy canh trong nhà lưới ở nhiều nơi, anh Phan Văn Tùng ở ấp 10, xã Thuận Hưng đã mạnh dạn đầu tư trồng rau thủy canh khép kín trong nhà lưới, với diện tích 320 m2, lắp đặt 17 dàn trồng rau thủy canh, mỗi dàn 10 máng và mỗi máng có 30 lỗ trồng rau, anh Tùng đã trồng các loại rau, cải như: rau lolo tím, Pata, Ru măng, rau cần tây, cải xà lách, cải bó xôi ….
Hiện nay rau cải anh trồng phát triển rất tốt và mỗi tháng anh thu hoạch được 200 kg rau, bán giá bình quân 45.000đ/kg, sau khi trừ chi phí anh còn lợi nhuận 4.000.000 đồng/ tháng. Anh Tùng chia sẽ: với mô hình trồng rau thủy canh thì ưu điểm nổi bật của mô hình là từ khi trồng đến thu hoạch không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, cung cấp ra thị trường sản phẩm rau an toàn, chất lượng, bán được giá cao, ít sâu bệnh. Bên cạnh đó, mô hình nhà lưới và dàn thủy canh được khấu hao nhiều năm (trên 5 năm) nên chi phí bình quân cho nhiều năm sẽ giảm xuống rất nhiều.
Trồng rau thủy canh trong nhà vừa tiết kiệm đất, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân, lại giúp rau cách ly với nguồn sâu bệnh, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và cũng góp phần thực hiện có hiệu quả phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng của xã cũng như ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay.
Võ Ánh Phượng
VCKN xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ