xem-chi-tiet-tin - UBND TP Vị Thanh

 

HỘI NÔNG DÂN TỈNH HẬU GIANG CÙNG NÔNG DÂN VƯỢT QUA KHÓ KHĂN VÌ ĐẠI DỊCH COVID-19

Ngày 13-10-2021 - Lượt xem: 137

 

ThS. Dương Thị Hoàng Phúc - Khoa Lý luận cơ sở

Dịch bệnh Covid - 19 đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trên cả nước  trong đó có nông dân. Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang đã đồng hành cùng nông dân Hậu Giang vượt khó khăn trong đại dịch góp phần ổn định đời sống Nhân dân.

Hội Nông dân Việt Nam được thành lập vào tháng 10 năm 1930 với tên gọi đầu tiên là Tổng Nông hội Đông Dương hay còn gọi là Nông hội đỏ (đến ngày 01/3/1988 được đổi tên là Hội Nông dân Việt Nam) và đến phiên họp ngày 17/01/1991, Bộ Chính trị đồng ý lấy ngày 14/10 làm kỷ niệm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam.

Từ khi thành lập đến nay, tuy mỗi thời kỳ mang một tên gọi khác nhau nhưng Hội Nông dân Việt Nam vẫn luôn là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. Hội Nông dân Việt Nam đã phát huy vai trò trong vận động, tập hợp, tuyên truyền, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân, tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân phát huy truyền thống yêu nước trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, phát huy vai trò chủ thể trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh,….từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân, từng bước nâng cao vị thế chủ thể cho Nhân dân trong xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội, trong xây dựng nông thôn mới.

Hội Nông dân Tỉnh Hậu Giang thời gian qua đã thực hiện tốt vai trò trong  đại diện, phát huy quyền làm chủ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân; Nắm bắt và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nông dân với Đảng, Nhà nước và Hội cấp trên, trực tiếp tổ chức tuyên truyền vận động hội viên, nông dân thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ công tác Hội, nhất là trong tổ chức các phong trào thi đua sản xuất phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, bên cạnh việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền về thực hiện mục tiêu kép trong phát triển kinh tế - xã hội và ưu tiên cho phòng chống dịch bện Covid-19, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Khuyến nông tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp 26.150 nông dân tiếp cận kiến thức cần thiết về kỹ năng, thông tin, thị trường, khoa học công nghệ, thực hiện tuyên truyền trên Bản tin Nông dân Hậu Giang; phối hợp cấp phát 3.000 tài liệu tuyên truyền về khoa học công nghệ đến cán bộ, hội viên, nông dân[1;1].

Tỉnh Hội quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Từ đó nhiều mô hình liên kết, hợp tác sản xuất, kinh doanh được nông dân duy trì và phát triển như mô hình trang trại cá, heo, gà của Ông Võ Văn Sáu, ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ; Mô hình nhân giống cá thát lát, cho hộ nuôi, thu mua lại và chế biến thành phẩm của Ông Võ Đình Chiến, ở khu vực Bình Hiếu, phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ và Bà Nguyễn Kim Thùy, ấp Tầm Vu 1, xã Thạnh Hòa huyện Phụng Hiệp; mô hình nuôi lươn của Ông Phan Văn Tùng, ấp 1, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ; mô hình lúa giống kết hợp dịch vụ sinh hoạt vui chơi trẻ em của hộ Ông Phan Văn Khuê, khu vực Bình Hiếu, phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ; mô hình sầu riêng của Ông Lê Văn Sáu, ấp Tân Thành, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp và Ông Lê Hồng Phúc, ấp Láng Hầm, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A...

Ngoài ra, Tỉnh Hội hướng dẫn cán bộ Hội, hội viên, nông dân thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và thành lập tổ hợp tác; vận động nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể có hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Hội Nông dân phối hợp hướng dẫn thành lập mới 10 hợp tác xã, 229 thành viên; thành lập mới 147 tổ hợp tác, 1.318 thành viên (75 tổ hợp tác trong tổ tiết kiệm vay vốn, 734 thành viên). Nâng tổng số đến nay, toàn tỉnh có 202 hợp tác xã, 5.482 thành viên; 1.015 tổ hợp tác, 23.229 thành viên[1;3].

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid - 19, với phương châm “Đồng hành cùng nông dân vượt qua đại dịch” Tỉnh Hội cùng với Hội Nông dân các cấp đã tích cực trong hỗ trợ nông dân phần nào ổn định đời sống vật chất và tinh thần vượt qua khó khăn của dịch bệnh, cụ thể:

Thứ nhất, các cấp Hội tích cực thông tin tuyên truyền, phổ biến Chương trình “Triệu phần quà nghìn tấn nông sản nghĩa tình” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động. Các cấp Hội đã vận động, phối hợp, tiếp nhận vật phẩm ủng hộ, hỗ trợ, tặng gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn, cung cấp cho các gian hàng “0 đồng”, các khu cách ly, các chốt kiểm dịch, chốt bảo vệ vùng xanh trên địa bàn.

Hội Nông dân tỉnh đã đến thăm các gia đình chính sách, tặng tổng số 12 phần quà trị giá 6,91 triệu đồng; các cấp Hội đã vận động ủng hộ, hỗ trợ nhu yếu phẩm các khu cách ly, các gian hàng “0 đồng”, hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn 12.229 phần quà, 780 thùng nước suối, 190,4 triệu đồng tiền mặt, 50 thùng khẩu trang, 21 thùng nước sát khuẩn, 15 lít cồn và nhiều găng tay y tế; 98,8 tấn gạo, 2.473 thùng mì, sữa, 7.155 suất cơm và phần ăn, và nhiều nhu yếu phẩm khác[2;2].

Các cấp Hội cũng thực hiện hỗ trợ các hội viên và nông dân khó khăn, như Hội Nông dân thành phố Vị Thanh phối hợp với các ngành tặng 40 phần quà (mỗi phần 250.000 đồng), trị giá 10 triệu đồng tại lễ SenDolta (xã Hỏa Lựu); đồng thời, vận động các mạnh thường quân tặng 20 phần quà (mỗi phần 200.000 đồng), trị giá 4 triệu đồng giúp các hộ khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 tại gian hàng “0 đồng” Phường I, thành phố Vị Thanh.

 Hội Nông dân xã Vĩnh Trung huyện Vị Thủy vận động 30 phần quà hỗ trợ  hộ nông dân khó khăn tại Ấp 10 xã Vĩnh Trung, mỗi phần 300.000 đồng, Hội Nông dân các xã, thị trấn phối hợp các ngành, mạnh thường quân hỗ trợ 65 phần nhu yếu phẩm cho hộ nông dân khó khăn mỗi phần trị giá 200.000 đồng.

 Hội Nông dân huyện Châu Thành A và các xã, thị trấn đã vận động tặng các gia đình hội viên đang khó khăn, các gian hàng “0 đồng” trên địa bàn 10 phần quà, mỗi phần trị giá 350.000 đồng, 300 kg gạo, 550 kg rau củ các loại, 48 chai nước mắm, 48 chai nước tương, tổng trị giá 17 triệu đồng.

Hội Nông dân huyện Châu Thành thăm và tặng quà 12 hộ nghèo tại xã Đông Phước và xã Đông Phú, mỗi phần quà trị giá 150.000 đồng (gạo, thuốc sát khuẩn và khẩu trang), tổng trị giá 1,8 triệu đồng. Tổ chức “Chuyến xe nghĩa tình thứ 79 và 80, tiếp nhận vật phẩm tại xã Phú Tân, thị trấn Ngã Sáu hỗ trợ các điểm nấu ăn tại các chốt trực và 3 khu cách ly tập trung và bà con khu vượt lũ thị trấn Ngã Sáu 500 trái bắp, 125 trái dừa, 550 kg nông sản các loại, tổng giá trị 7,8 triệu đồng; Hội Nông dân xã Đông Phước, Đông Phước A vận động 450 kg gạo, 5 thùng mì trao tặng nông dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Thứ hai, Hội Nông dân tỉnh kêu gọi các cấp Hội hỗ trợ nông dân trong tiêu thụ nông sản.

Trong thực hiện giãn cách xã hội, việc tiêu thụ sản phẩm của nông dân gặp rất nhiều khó khăn, Hội Nông dân Tỉnh và các cấp Hội đã phối hợp các cơ sở thu mua nông sản cũng như phối với với các ban, ngành đoàn thể hỗ trợ tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trên địa bàn với nhiều hình thức như liên kết, giới thiệu với các doanh nghiệp, các đầu mối tiêu thụ, thông qua các tổ chức đoàn thể khác giới thiệu tiêu thụ nông sản thông qua mạng xã hội, lập nhóm Zalo “Tiêu thụ nông sản” để tìm nguồn ra cho nông sản,… Từ đó đã góp phần hỗ trợ cho nông dân, hội viên trong tiêu thụ nông sản, cụ thể:

Hội Nông dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phụng Hiệp phối hợp hỗ trợ nông dân tiêu thụ 9 tấn rau củ các loại và 5 tấn cam sành, 2 tấn chuối, 8 tấn mía. Hội Nông dân huyện Châu Thành A liên hệ với 5 cơ sở thu mua hàng nông sản trên địa bàn để hỗ trợ thu mua cho nông dân 3 tấn rau màu các loại, 2 tấn cam sành. Hội Nông dân huyện Châu Thành hỗ trợ nông dân xã Đông Phước, Phú Hữu, Đông Thạnh, Đông Phước A tiêu thụ 2 tấn cam sành, 2,6 tấn xoài, 3 tấn chanh. “Tổ tự nguyện” của Hội Nông dân xã Đông Phước hỗ trợ thu hoạch, tiêu thụ nông sản cho nông dân trong thời gian giãn cách xã hội, giúp nông dân thu hoạch 1,5 tấn bưởi da xanh; 1 tấn ổi, 3 tấn chanh được HTX Thịnh Phát, HTX Năm Nhi, HTX trái cây sinh học OCOP thu mua trong ngày.

Đến nay, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp hỗ trợ nông dân thu hoạch lúa và tiêu thụ nông sản, liên hệ với 271 cơ sở và doanh nghiệp để thu mua sản phẩm nông nghiệp cho nông dân 1.790 tấn nông sản các loại[2;3] (16,5 tấn cá lóc, 6 tấn heo thịt, 3,5 tấn gà thịt, 3,5 tấn lươn, 8,4 tấn cá tra, 4 tấn cá sặc rằn; 411 tấn cam; 28 tấn sầu riêng; 60 tấn dưa hấu; 177 tấn nông sản, thuỷ sản các loại; 18,8 tấn mít; 184 tấn chanh không hạt; 16,6 tấn xoài; 3,5 tấn bưởi da xanh; 99 tấn nhãn, 41 tấn chôm chôm, 69 tấn dâu, 5,5 tấn thanh long, 8 tấn măng cụt, 3,8 tấn hạnh, 86 tấn khóm, 5 tấn bắp trái, 700 kg dưa lưới, 20 tấn chuối, 40 tấn dừa, 73 tấn mía, 100 tấn khoai mì, 207 tấn rau củ các loại, 1 tấn ổi, 10.500 hột vịt...); và liên kết doanh nghiệp ngoài tỉnh thu mua sản lượng lúa gieo trồng trên 3.254 ha với giá từ 5.800 - 6.200 đồng/kg.

Đạt được những kết quả trên là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, sự đồng lòng của cán bộ Hội các cấp chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, sâu sát nắm tình hình kịp thời phản ánh tâm tư của nông dân, những khó khăn của nông dân nhất là trong thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch bệnh Covid-19. Sự phối hợp tốt các cấp Hội và các ban, ngành, các tổ chức đoàn thể trong hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm. Hội Nông dân các cấp, nhất là ở cơ sở tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh, với nhiều mô hình, việc làm thiết thực, vận động, hỗ trợ kịp thời người dân có hoàn cảnh khó khăn, các khu cách ly, các chốt kiểm soát dịch bệnh, “vùng xanh”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, do ảnh hưởng phức tạp của dịch bệnh trên phạm vi rộng, thời gian thực hiện giãn cách xã hội dài nên phần nào gây ra những khó khăn lớn trong phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, giá cả nông sản thấp, việc tiêu thụ nông sản của các doanh nghiệp, các đầu mối cũng gặp nhiều khó khăn, nên lượng tiêu thụ nông sản chưa đáp ứng được nhu cầu của nông dân, lực lượng cán bộ Hội  mỏng nên có lúc cũng chưa nắm bắt kịp thời những khó khăn trong nông dân và hội viên.

Để tiếp tục đồng hành cùng nông dân trong phát triển kinh tế trong tình hình “bình thường mới”, Hội Nông dân tỉnh thời gian tới cần thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, tranh thủ hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy (nhất là Tỉnh ủy) trong phát triển kinh tế nói chung, trong sản xuất nông nghiệp nói riêng. Đợt dịch vừa qua cho thấy, cần tạo điều kiện và thu hút các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chế biến nông sản (khuyến khích các doanh nghiệp đảm bảo phương án sản xuất “3 tại chỗ”) vừa giải quyết việc làm cho lao động của Tỉnh, vừa đảm bảo nguồn tiêu thụ nông sản cho nông dân trên địa bàn. Tăng cường hơn nữa vai trò của các cấp Hội trong hỗ trợ, giới thiệu các doanh nghiệp đảm bảo đầu ra của sản phẩm.

Thứ hai, đẩy mạnh việc vận động nông dân thực hiện có hiệu quả Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trong điều kiện “bình thường mới”. Tuyên truyền, khuyến khích nông dân tăng cường chủ động tham gia sản xuất, kinh doanh giỏi, nhất là các vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất sản phẩm đặc trưng của từng địa phương, nhân rộng các mô hình hiệu quả, tăng cường giới thiệu về những sản phẩm hàng hoá nông nghiệp thế mạnh của địa phương.

Thứ ba, xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả và vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Tiếp tục phối hợp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ, cập nhật kiến thức sản xuất, kinh doanh; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân; xây dựng mô hình chi, tổ Hội nghề nghiệp… Hướng dẫn nông dân liên kết, hợp tác theo nhóm hộ để sản xuất cùng loại sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hoá, tập trung, nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm; tiếp tục vận động nông dân tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác.

Thứ tư, tăng cường công tác phối hợp của Hội các cấp với các ban, ngành, đoàn thể trong tuyên truyền và hỗ trợ nông dân trên nhiều phương diện để nông dân yên tâm trong sản xuất và đảm bảo phòng, chống dịch bệnh. Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền cho nông dân và hội viên nhận thức được việc chuyển đổi trong sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là sự liên kết, hợp tác với nhau trong sản xuất tạo nội lực trong phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nần cao chất lượng, giá trị và sức cạnh trạm của hàng hóa nông sản đáp ứng nhu cầu của thị trường cũng như nội lực để hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn như đợt dịch vừa qua. Tiếp tục nâng cao nhận thức trong nông dân về thực hiện tốt các quy định trong phòng, chống dịch bệnh góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh để đảm bảo trong sản xuất, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường.

Tóm lại, thời gian qua, Hội Nông dân Tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo và cùng với các cấp Hội thực hiện tốt trong đồng hành, hỗ trợ nông dân vượt qua khó khăn trong đại dịch nhất là trong phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản ổn định đời sống nhân dân góp phần cùng với hệ thống chính trị và Nhân dân cả nước nói chung, Tỉnh Hậu Giang nói riêng trong cuộc chiến chống “giặc Covid-19”. Trước sự diễn biến phứcc tạp của dịch bệnh, Hội Nông dân Tỉnh cần tăng cường vai trò hơn nữa để đồng hành cùng với nông dân phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện “bình thường mới” góp phần điểm thêm những nét son trên những trang vàng lịch sử truyền thống của tổ chức Hội trong cuộc chiến chống Covid-19 còn nhiều cam go, hiểm nguy, phức tạp.

----------

Tài liệu tham khảo:

  1. Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang, Báo cáo sơ kết công tác Hội và phong trào nông dân 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2021.
  2.  Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang, Báo cáo nhanh việc triển khai thực hiện Chỉ thị 08/CT-UBND ngày 18/7/2021 của Chủ tịch HĐND tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh CODID-19 của hệ thống Hội Nông dân tỉnh (Tính đến ngày 4/10/2021).

* Để xem thêm chi tiết, tải về tại đây
1. 2 CHỊ PHÚC.HỘI NÔNG DÂN.docx_20211013140528.docx

Đang online: 5
Hôm nay: 271
Đã truy cập: 1651140
Bạn chưa có đủ quyền truy nhập portlet này.